Thạch Sanh - Lý Thông và những nghịch lý
Câu chuyện cổ đầy ắp ý nghĩa giáo dục đối với trẻ thơ nhưng lại chứa vô vàn nghịch lý ngây ngô đến tột độ...
Vẫn biết là truyện cho trẻ con nhưng hình ảnh của hai gã "đầu óc ngu si tứ chi phát triển" và "kẻ chợ gian manh" đã đi in rất sâu ngay cả trong tâm trí người lớn. Dân gian thời @ ai chả biết câu "Thạch Sanh thì ít Lý Thông thì nhiều". Ra đường gặp lại bạn bè chiến hữu chẳng may nhắc tới người bạn cũ tên Thông thế nào cũng có thằng xóc: "mày biết thằng Lý Thông dạo này sống ra sao không?". Đời là vậy đấy, cái gì hơi đêu đểu, khả ố thì nhớ rất lâu, lan rất nhanh.
Nói về Thạch Sanh, một mình vò võ mồ côi cha mẹ, gia sản duy nhất của chàng là cây rìu và cái khố. Nhà chàng cũng chẳng có, khoét tạm một lỗ trong thân cây đa bìa rừng kiếm chỗ chui ra chui vào hàng ngày mà thôi. Chẳng biết chàng có duyên đến mức nào mà một tên lưu manh như Lý Thông lại hạ cố kết bạn đến độ kết cả thành anh em. Giá như trời có mắt hẳn chàng đã chẳng bị xui khiến làm huynh đệ với một gã lừa đảo khét tiếng kẻ chợ như Lý Thông. Không rõ Thạch Sanh có biết điều này hay chàng cố tình làm ngơ? Hàng ngày chặt cây phá rừng lấy gỗ mang ra chợ đổi gạo mua rau chắc hẳn chàng cũng phải nghe đồn về sự lưu manh của Lý Thông chứ?
Thiên hạ có câu "tiếng dữ đồn xa, tiếng đểu ... đồn rất xa". Con trăn tinh to tổ bố như thế trong làng đến nhà vua tít tận kinh thành còn biết, huống hồ gã thợ rừng ngày ngày tới chợ đổi củi lấy cơm lại không hay biết gì? Tiếng này phải nói là rất "dữ" bởi thi thoảng trăn tinh lại xơi một mạng người cho thỏa cơn đói, sao nó không truyền tới tai Thạch Sanh nhỉ?
Quân đội nhà vua oánh đông dẹp bắc, gìn giữ biên cương, trấn lĩnh cửa ải mang lại thái bình cho muôn dân thế mà không táng chết được con trăn tinh ngớ ngẩn kia, để đến khi chàng tiều phu ngờ nghệch ra canh miếu tiện tay phang cho nó mấy đập chết quay lơ. Trong quân có giáo đầu và muôn ngàn binh sỹ tinh nhuệ thế mà chẳng ai làm gì nổi trăn tinh, khiến vua phải ngậm ngùi bỏ ra mấy chục lạng xây miếu cho nó. Xót quá, xót quá. Trong khi ấy, chàng tiều phu nghèo rớt mồng tơi chỉ có độc cây rìu và cái khố lại tỏ ra am tường võ nghệ, tinh thông binh pháp, sức mạnh hơn người. Kiếp trước chắc chàng phải là giáo đầu của cấm quân 80 vạn người thì kiếp này mới giỏi giang và mạnh mẽ đến như vậy. Sau đó, chả biết chàng có xơi thuốc lào hay không mà sau khi đập chết trăn tinh, tiện bật lửa đốt tan xác nó vớ ngay được cây cung và mấy mũi tên vàng.
Nói đến những mũi tên vàng, hẳn thiên hạ cũng thấy đây đúng là một món bở. Mỗi cây tên dài độ 2 tấc, tức là khoảng gần 60cm. Vị chi một cây thôi cũng đủ cho Thạch Sanh mua sắm quần áo mặc tới già, mấy cây còn lại xây nhà, tậu vợ ngon ơ. Có lẽ chàng đã âm mưu với đại bàng từ trước nên để dành cây cung và những mũi tên này cho y khi đại bàng cắp công chúa từ trong vườn thượng uyển bay ra. Tình tiết này không ai nói tới nhưng xét theo các kịch bản trong phim hành động của Mỹ thì rất có thể Thạch Sanh đã "phím" cho đại bàng về phi vụ công chúa, khiến gã kia mờ mắt vì gái mà không mảy may nghi ngờ nó "xúi đểu". Biết trước kế hoạch của đại bàng, chàng chỉ việc leo lên ngọn cây chờ sẵn, khi đại bàng bay qua thì "tặng" nó vài mũi tên cho sướng. Mà phải rồi, dù đại bàng có bay nhanh, máu nó có mất dấu trên mặt đất thì cái hang của nó cũng chẳng xa lạ gì với Thạch Sanh. Nhắm mắt chàng cũng biết mà xông tới diệt nốt tên hám gái ngu đần kia.
Điều lạ là sau khi bị Lý Thông lừa đi canh miếu, xách được đầu trăn về rồi mà Thạch Sanh chẳng thèm oán hận lấy một câu. Đến khi Lý Thông tỏ ra run sợ vì Thạch Sanh "giết mất con vật của nhà vua" thì chàng lại cuống cuồng giao đầu xà cho y và chuồn thẳng vào rừng. Nếu trấn tĩnh lại chút thôi, hẳn Thạch Sanh sẽ biết ngay đây là chiêu mới của ông anh họ Lý hòng kiếm lợi bất chính. Bên cạnh đó, trăn tinh cũng thuộc loại ngu đần, đã thành tinh mà sao nó ngu không thể tả nổi. Khi biết gặp phải cao thủ thì chuồn bố đi cho xong lại còn nghênh chiến dẫn đến thiệt thân. Giá như nó cứ cao chạy xa bay đi kiếm ăn chỗ khác thì Thạch Sanh cũng chả hơi sức đâu mà đuổi vì mục đích của chàng chỉ là canh miếu chứ không phải trừ tà. Thôi, nó ngu thì nó chết, còn Thạch Sanh đã ngu lại còn sướng mới lạ.
Sau khi trốn vào rừng, chả biết còn vương vấn cuộc đời thế nào mà chàng lại lởn vởn gần cung cấm, nơi đáng lẽ phải tránh thật xa vì tội tày trời "giết mất con vật cưng của quốc vương". Có lẽ đúng như phán đoán ở trên, Thạch Sanh sau khi lẩn vào rừng đã kết thân với đại bàng. Tính chàng là vậy, luôn mong muốn kết thân với một ai đó và khi đã kết thân rồi thì phải kết thân với một tên gian ngoan, xảo trá. Lần này kẻ đó chính là đại bàng. Rút kinh nghiệm vụ Lý Thông, Thạch Sanh âm mưu "xui đểu" đại bàng đến cướp công chúa để tương kế tựu kế hạ độc thủ tên này, lập công chuộc tội với nhà vua, nhân tiện hàn gắn tình thân với ông anh họ Lý. Trong đầu chàng vẫn không biết mình bị Lý Thông lừa mà chỉ bùng lên ngọn lửa được đoàn tụ với ông anh tốt bụng. Vốn ngu đần bẩm sinh, chàng chỉ còn nghĩ ra cách lừa đại bàng vào chỗ chết.
Sau nhiều ngày nghiên cứu kỹ lưỡng đường bay của đại bàng, chàng chọn cây đa tốt nhất trên tuyến bay của hắn và giương cung chờ đợi. Đại bàng cũng là tay mê tín, hắn chọn đúng ngày trùng cửu 9/9 để ra tay. Điều này khiến Thạch Sanh rất tức vì chàng lại chọn ngày 4/9 xui đểu hắn. Tưởng thế nào đại bàng cũng hồ hởi lên đường ngay nên chàng chỉ gói ghém có ít cơm khô rồi nói khoác là về thăm mẹ nuôi, tiễn biệt ra đi. Ngồi trên cây canh me đại bàng 5 ngày trời chẳng dám đi đâu nửa bước, cơm không có mà ăn bụng đói meo, đại tiện tiểu tiện ngay trên đó khiến chàng vô cùng tức tối. Đúng ngọ ngày trùng cửu, thấy đại bàng cắp công chúa bay qua, chàng giương cung bắn liền 4 mũi tên bằng vàng vào hắn. Đại bàng chỉ kịp kêu ối một tiếng, hộc máu mồm rồi chao đảo vừa bay vừa chạy về hang.
Biết thừa cái hang của hắn ở đâu rồi nên Thạch Sanh khoan thai chiến 1 cây lim cổ thụ mang xuống chợ đổi lấy bữa nhậu linh đình. Vừa nhậu xong gặp ngay Lý Thông đang đi tìm chàng để nhờ diệt đại bàng. Tương kế tựu kế, chàng nhận lời ngay, biết đâu nhà vua thấy thế có thể tha cho tội giết trăn tinh. Chẳng cần phải kể lể dài dòng chúng ta cũng có thể thấy với vài phát rỉu Thạch Sanh đã làm cỏ trăn tinh thì gã đại bàng trúng tên kia sao chịu nổi đến 1 nhát? Đại bàng chết rồi, công chúa ra khỏi hang còn chàng bị giam cầm đúng y kịch bản.
Vật vờ đi mót đồ ăn của đại bàng thì chàng vớ ngay được con vua thủy tề bị hắn bắt nhốt trong cũi. Nhân tiện có mũi tên đại bàng mới nhổ ra, chàng lấy cung bắn gãy cũi sắt cứu luôn thái tử. Cái hang to thế, sâu thế mà chỉ với tài năng không phá nổi cũi của thái tử con vua thủy tề, cả hai đã thoát ra dễ dàng để trở lại long cung.
Thạch Sanh chằng màng vàng bạc, châu báu, chỉ xin một cây đàn mà thôi. Không hiểu chàng học oánh đàn khi nào mà lại biết mà xin cây đàn? Chỗ chàng sinh ra và lớn lên suốt ngày chỉ có chim kêu vượn hú, đêm xuống có tiếng ếch nhái, côn trùng rền rĩ hoặc tiếng thú rừng gầm vang, có lẽ chàng học nhạc từ kiếp trước?
Về đến nhà biết Lý Thông năm lần bảy lượt hãm hại mà Thạch Sanh vẫn không hề nổi nóng. Người chàng làm bằng gỗ đá chăng? Đã thế, chàng còn tá túc lại tịnh xá của hắn để đến nỗi bị vu oan giáo họa ăn cắp vàng bạc và bị nhốt trong ngục tối. Nói đến công chúa con vua, sau khi được giải cứu khỏi hang, nàng bị Lý Thông cho uống thuốc câm không nói được luôn. Ngẫm đi ngẫm lại, thấy Lý Thông không phải ngự y, cũng chẳng phải thái giám, làm sao có thể tiếp cận công chúa mà cho nàng uống thuốc câm được? Thêm vào đó, một chức quan quèn như Lý Thông thì vào điện còn mơ ước chứ đừng nói bước chân đến cấm cung. Không sao hiểu nổi bằng cách nào hắn có thể bắt công chúa uống thuốc được. Đấy là còn chưa kể nàng đang phẫn uất trước sự phản trắc của Lý Thông, đời nào uống thuốc của hắn. Xem đi xem lại, phục Lý Thông quá đỗi, nhất là hắn có thể còn tự chế được thuốc câm. Giờ mà có ra hiệu thuốc hỏi cũng chẳng ma nào biết thuốc câm là thuốc gì. Đúng là tuyệt chiêu.
Xem ra cổ tích cũng có đôi chút logic, cái này còn gỡ gạc lại tí xíu cho cốt truyện dù nội dung của nó thật là ngây ngô. Đầu tiên là việc quen biết Lý Thông dẫn đễn "bị" nhờ đi canh miếu. Sau đó nhờ canh miếu mà giết được trăn tinh, đốt xác lấy cây cung và mấy mũi tên vàng. Vì bị Lý Thông lừa nên chàng hoảng sợ ba chân bốn cẳng chạy trốn, có thế mới trông thấy đại bàng cắp công chúa mà bắn cho nó mấy phát. Sau đấy, nhờ bị Lý Thông nhốt trong hang mà Thạch Sanh mới cứu được con vua thủy tề và được tặng đàn. Rồi "nhờ" bị vu oan ăn cắp và nhốt trong ngục, mang đàn ra gảy mà Thạch Sanh mới được nhà vua biết đến và gả con gái cho. Cái logic này tuy ngây ngô nhưng cũng hay hay, chắc chắn trẻ con đứa nào cũng thích.
Cuối truyện, Thạch Sanh trở thành một ông vua anh minh trị vì đất nước ấm no.
Ack ack, từ một anh tiều phu quần chả có mà mặc biến thành ông vua anh minh với lòng tốt và sự ngu đần hiếm thấy trên thế gian thì quả là kiệt xuất. Truyện đọc thì vui nhưng tính giáo dục chẳng thấy là bao. Giờ thử ngẫm nghĩ mà xem, nếu nghiêng về Lý Thông sẽ thấy cứ lừa đi, phỉnh đi rồi sẽ được thăng tiến, giàu sang mà không bị trừng trị. Cuối đời nếu không bị sét oánh thì lại sống an nhàn như ai.
Khá hơn Lý Thông là Thạch Sanh, cứ ngu đi, hiền đi và thật đần độn rồi sẽ được lên làm vua. Chả cần phải phấn đấu, không sờ đến sách vở cũng có thể làm cho đất nước phát triển, muôn dân ấm no. Ngẩng mặt lên trời mà than, hèn chi con em chúng ta dạo này lười học quá.
Cuối cùng, câu kết của truyện cũng rất độc ác. Độc ác ở chỗ bà già của Lý Thông, tức là mẹ nuôi Thạch Sanh thì có tội tình gì mà phải bị sét oánh chết biến thành bọ hung? Nhẽ ra, bà phải được thằng con nuôi, sau này là vua của thiên hạ - Thạch Sanh đưa vào cung phụng dưỡng. Dẫu gì thì bà cũng từng là mẹ nuôi của chàng. Mọi tội lỗi đều do Lý Thông gây ra chứ bà có tội tình gì mà phải chết thảm thế? Xem ra sau khi được sống sung sướng, có vàng bạc đầy ắp trong kho và có gái vào thì Thạch Sanh quên hết, kể cả bà mẹ nuôi mà chàng rất yêu quý trước kia.
Một người như chàng sau này có thể làm cho muôn dân ấm no, thiên hạ thái bình quả là chuyện hiếm có trên giang hồ.
P.S. Mr. Bean tự đọc truyện này để hiểu sự tích Thạch Sanh - Lý Thông.
Đăng nhận xét